Hướng dẫn lập báo cáo tài chính Nhanh-Gọn-Chính xác

Học Nghề Online
0

Đối với một kế toán viên, lập báo cáo tài chính là một yêu cầu đòi hỏi tính chính xác và đúng hạn cao. Bạn là một kế toán mới và chưa rõ cách lập báo cáo tài chính thế nào cho đúng. Vậy thì bài viết dưới đây của Học nghề Online miễn phí sẽ hướng dẫn bạn cách lập báo cáo tài chính chi tiết nhất.

Hướng dẫn lập báo cáo tài chính Nhanh-Gọn-Chính xác


1. Quy định lập báo cáo tài chính trong doanh nghiệp

1.1. Thời hạn nộp báo cáo tài chính năm?

Thời hạn nộp báo cáo tài chính năm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước được quy định như sau:

Đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước: Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp phải được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật. Ví dụ: Kỳ kế toán năm 2023 của doanh nghiệp ngoài nhà nước là ngày 01/01/2023 đến 31/12/2023 thì thời hạn nộp báo cáo tài chính năm 2023 sẽ là ngày 30/03/2024.

Đối với Doanh nghiệp nhà nước: Báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhà nước sẽ có quy định về thời hạn nộp theo quý và theo năm riêng, được quy định theo Điều 10 Thông tư số 200/2014/TT-BTC, cụ thể như sau:

  • Báo cáo tài chính quý: nộp chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý.
  • Báo cáo tài chính năm: nộp chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

1.2. Báo cáo tài chính cần tuân thủ những quy định nào?

Tùy thuộc vào quy mô của doanh nghiệp mà quy định lập báo cáo tài chính sẽ khác nhau, cụ thể như sau:

  • Doanh nghiệp siêu nhỏ: Chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ có thể áp dụng theo Thông tư 132/2018/TT-BTC hoặc Thông tư 133/2016/TT-BTC.
  • Doanh nghiệp vừa và nhỏ (bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ): Chế độ kế toán và lập báo cáo tài chính cho doanh nghiệp này sẽ áp dụng theo Thông tư 133/2016/TT-BTC.
  • Doanh nghiệp có quy mô lớn: Đối với các doanh nghiệp lớn, việc lập báo cáo tài chính năm sẽ phải tuân theo quy định của Thông tư 200/2014/TT-BTC.

1.3. Báo cáo tài chính bao gồm những loại nào?

Theo quy định của pháp luật, BCTC của doanh nghiệp bao gồm bốn báo cáo sau:

  • Bảng cân đối kế toán: Thể hiện tổng tài sản, tổng nợ và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại một thời điểm cụ thể (thường là cuối năm). Bảng này thể hiện sự cân đối giữa tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp, cho biết nơi mà nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp đang được sử dụng.
  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh: Báo cáo này thể hiện kết quả tài chính của doanh nghiệp trong khoản thời gian xác định (khoảng một năm). Nó bao gồm doanh thu, lợi nhuận gộp, lợi nhuận hoạt động, lợi nhuận trước và sau thuế cùng các chỉ số liên quan khác như lợi nhuận trên cổ phần và cổ tức.
  • Bảng lưu chuyển tiền tệ: Thể hiện nguồn gốc của tiền và cách tiền được sử dụng trong các hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính như thế nào. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giúp người đọc hiểu cách doanh nghiệp quản lý tiền mặt, khả năng trả nợ và đầu tư trong tương lai.
  • Thuyết minh báo cáo tài chính: Thuyết minh báo cáo tài chính là một phần quan trọng trong BCTC giúp doanh nghiệp giải thích, bổ sung thông tin chi tiết và cung cấp thông tin thêm về các khoản thu chi khác. Báo cáo này giúp đảm bảo tính minh bạch và hiểu rõ hơn về các số liệu trong ba báo cáo trên.

2. Hướng dẫn các bước lập báo cáo tài chính đúng chuẩn

  • Bước 1: Tổng hợp và sắp xếp chứng từ kế toán

        Bước đầu tiên trong quá trình lập báo cáo tài chính doanh nghiệp cần tập hợp, phân loại và sắp xếp các chứng từ kế toán một cách rõ ràng. Chúng bao gồm hóa đơn, biên lai, phiếu thu chi, sổ sách kế toán và các tài liệu liên quan khác.

        Việc phân loại chúng theo đúng trình tự thời gian sẽ giúp cho việc kiểm tra cùng kê khai báo cáo trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Ngoài ra, người làm kế toán cần lưu ý kiểm tra đồng thời tính hợp lý, hợp lệ và hợp pháp của chứng từ này trong quá trình sắp xếp.

  • Bước 2: Hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh

        Dựa trên những chứng từ kế toán đã được sắp xếp, nhà quản lý tiến hành hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong kỳ kế toán năm. Quá trình này bao gồm kiểm tra và hoàn thiện các chứng từ nhằm đảm bảo tính pháp lý theo quy định của pháp luật về công tác kế toán và thuế. Nhiệm vụ này có thể làm song song với bước 1 ở trên.

  • Bước 3: Phân bổ, khấu hao và chi phí trả trước

        Đối với phần hành tài sản cố định và chi phí trả trước, doanh nghiệp cần hạch toán rõ ràng đồng thời phân bổ thời gian và chi phí phát sinh hàng tháng hợp lý, đúng theo quy định.

        Để lập báo cáo tài chính, kế toán viên cần phân loại các nghiệp vụ phát sinh theo từng tháng, từng quý. Điều này giúp doanh nghiệp có thể kê khai báo cáo tài chính một cách chuẩn xác. Ngoài ra, bạn cũng cần phân loại rõ ràng các chi phí trả trước, khấu hao tài sản cố định và các khoản ước tính khác.

  • Bước 4: Hạch toán các khoản ước tính, điều chỉnh

Vào cuối kỳ kế toán, nhà quản trị cần kiểm tra và điều chỉnh các khoản ước tính trên chứng từ kế toán. Điều này nhằm đảm bảo các con số trong báo cáo tài chính phản ánh đúng thực tế của doanh nghiệp và tuân thủ các quy định kế toán hiện hành. Một số nội dung cần hạch toán như:

  1. Bút toán đánh giá chênh lệch tỷ giá cuối kỳ
  2. Các khoản dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh….
  3. Các khoản chi phí của năm cần trích trước, bao gồm lương tháng 13, thưởng tết âm lịch, chi phí kiểm toán, các chi phí mang tính chất thường xuyên,…
  4. Các bút toán phân loại lại khoản đầu tư, tiền gửi thấu chi, phân loại lại công nợ ngắn hạn dài hạn, các khoản vay ngắn hạn dài hạn, …
  5. Các bút toán điều chỉnh sai sót (nếu có)

  • Bước 5: Kiểm tra đối chiếu số liệu sổ sách

Đây là một khâu vô cùng quan trọng trong quá trình các bước lập báo cáo tài chính, kế toán viên cần tiến hành kiểm tra đối chiếu và rà soát lại các số liệu trong sổ sách. Bởi nếu số liệu hạch toán sai, lên BCTC không chính xác sẽ làm mất thời gian và công sức rà soát, điều chỉnh và làm lại báo cáo tài chính.

>>>>>Tham khảo: [Tự Học Sửa TV LCD] Bài 11: IC Công Suất Sử Dụng Trên TV LCD

Vì thế, doanh nghiệp cần rà soát và tổng hợp các nghiệp vụ phát sinh theo từng nhóm tài khoản như hàng tồn kho, công nợ phải thu, công nợ phải trả, đầu tư, chi phí trả trước và các tài sản cố định.

  1. Kiểm tra việc chuyển số dư cuối kỳ trước sang đầu kỳ này của tất cả các tài khoản có số dư.
  2. Kiểm tra lại số dư của từng nhóm khách hàng, đối tác, nhà cung cấp,…
  3. Kiểm tra số lượng và giá trị từng loại hàng hóa.
  4. Kiểm tra đối chiếu giữa sổ chi tiết với sổ cái.

  • Bước 6: Thực hiện các bút toán kết chuyển

Sau khi đã hoàn tất việc kiểm tra và rà soát các số liệu, kế toán viên cần thực hiện các bút toán kết chuyển lãi/lỗ trong năm. Quá trình này bao gồm hạch toán các khoản doanh thu, chi phí, lỗ, lãi và đảm bảo các tài khoản từ đầu 5 đến đầu 9 không còn số dư cuối kỳ.

Đối với những doanh nghiệp phát sinh thuế thu nhập, nhà quản trị cần kết chuyển lần thứ nhất để xác định lãi và tính ra số thuế cần phải nộp. Tiếp đó là hạch toán bổ sung bút toán ghi nhận thuế và chi phí thuế phát sinh rồi mới tiến hành thực hiện kết chuyển lại để ra con số lợi nhuận cuối cùng.

Bước 7: Xây dựng báo cáo tài chính

Sau khi đã thực hiện các bước trên, kế toán viên có thể tiến hành lập báo cáo tài chính. Bạn cần tìm hiểu kỹ các quy định lập báo cáo tài chính ở Phần 1 để phản ánh đầy đủ và chính xác nhất. Với việc thực hiện đúng quy trình trên, doanh nghiệp có thể lập báo cáo tài chính đúng chuẩn từ đó giúp cho việc quản lý tài chính trở nên hiệu quả hơn và đáng tin cậy hơn.

3. Một số lưu ý khi lập báo cáo tài chính bằng Excel

Dưới đây là một số lưu ý cụ thể khi lập báo cáo tài chính bằng Excel đối với từng loại báo cáo tài chính:

3.1. Lưu ý khi lập bảng cân đối kế toán

Tài sản và nợ phải được phân thành ngắn hạn và dài hạn, dựa trên khả năng thu hồi hoặc thanh toán trong vòng 12 tháng sau thời điểm báo cáo. Trong trường hợp doanh nghiệp không phân biệt rõ giữa tài sản và nợ ngắn hạn và dài hạn, kế toán trưởng có thể trình bày chúng theo tính thanh khoản giảm dần.

3.2. Lưu ý khi lập báo cáo kết quả kinh doanh

Loại trừ các khoản doanh thu, thu nhập, chi phí phát sinh từ các giao dịch nội bộ khi lập báo cáo kết quả kinh doanh giữa doanh nghiệp và đơn vị cấp dưới. Sử dụng thông tin từ báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của năm trước, sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết từ loại 5 đến loại 9.

3.3. Lưu ý khi lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ:

Đối với các chỉ tiêu không có số liệu không cần phải trình bày vào trong báo cáo đồng thời người lập cần đảm bảo không thay đổi mã số của các chỉ tiêu.

3.4. Lưu ý khi lập thuyết minh báo cáo tài chính:

Thuyết minh báo cáo tài chính bao gồm thông tin về cơ sở lập và trình bày báo cáo tài chính cũng như các chính sách kế toán được áp dụng. Doanh nghiệp cần trình bày các thông tin theo quy định của các chuẩn mực kế toán và cung cấp thông tin bổ sung chưa có trong các báo cáo tài chính khác.

4. Tạm kết: 

Lập báo cáo tài chính là một nhiệm vụ bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp và kế toán viên. Nó đòi hỏi tính chính xác và tuân thủ chế độ pháp luật cao. Nếu bạn nắm vững cách lập báo cáo tài chính thì bạn chính là ứng viên xuất sắc trong mắt chủ doanh nghiệp rồi đấy.
Trên đây Học nghề Online Miễn phí đã hướng dẫn cho các bạn cách lập báo cáo tài chính nhanh và chính xác nhất. Hy vọng chia sẻ trên hữu ích với các bạn. Nếu gặp thắc mắc cần được giải đáp hãy để lại bình luận dưới bài viết này nhé hoặc truy cập vào kênh Tin tức của Học nghề Online Miễn phí để tham khảo nhé.

Đăng nhận xét

0Nhận xét
Đăng nhận xét (0)
Đọc tiếp: